【Thịt Trâu Gác Bếp Tây Bắc】Kinh Nghiệm Mua Trâu Gác Bếp – Cách Thưởng Thức Trâu Gác Bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản nổi tiếng của vùng đồi núi Tây Bắc. Trâu gác bếp với đặc trưng mùi khói bếp cùng với hương vị mắc khén, hạt dổi và một số gia vị khác khiến bất cứ ai cũng phải mê. Nó không cay, nó không cứng nhưng lại tê tê ngòn ngọt! Thế mới lạ. Tuy nhiên vẫn còn ít người chưa biết rõ về thịt trâu gác bếp, hãy cùng tôi tìm hiểu qua nội dung dưới đây sẽ mang lại cái nhìn tổng quan nhất về đệ nhất đặc sản Thịt trâu khô gác bếp Tây Bắc.
Thịt trâu gác bếp là gì?
Thịt trâu gác bếp hay còn được gọi là trâu hun khói, thịt trâu khô, trâu sấy khô,… là món ăn đặc biệt từ thịt thăn và bắp trâu tươi, gác bếp cho chín dần bằng khói bếp củi. Xưa kia, trâu khô gác bếp là món chỉ phổ biến ở người dân tộc Thái Đen, với vị ngon đặc biệt, nó đã trở thành món ăn phổ biến cho các dân tộc thiểu số Tây Bắc và nay thì cả nước cũng đang nghiện nó – nghiện theo đúng nghĩa đen. Bản chất của món thịt gác bếp này là ngày xưa do bất đắc dĩ, bà con dân tộc sấy khô để ăn dần do không có cách bảo quản thịt lâu ngày (như tủ lạnh hiện nay).
Cách chọn trâu và làm thịt trâu gác bếp
Món thịt này được làm từ thịt của những chú trâu nhà thả rong trên các vùng núi đồi Tây Bắc, phần ngon nhất được dùng là thịt bắp, loại không có gân và đã lọc bỏ hết bạc nhạc (bèo nhèo). Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng thịt kiểu con chì và thái dọc thớ dài khoảng 20 cm, dày 5 cm, tẩm ướp các gia vị rồi hun bằng khói của than củi từ các núi đá. Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu.
Các kỹ thuật chế biến đều là gia truyền, song sản phẩm khá thuần nhất. Người làm dùng cách tẩm ướp tự nhiên thịt với các gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén – một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Các gia vị này thậm chí còn thấy nguyên trên từng thanh thịt. Món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn để dự trữ được khoảng một tháng.
Món ăn này được chế biến qua các công đoạn công phu và tỉ mỉ như:
- Thịt trâu lọc bỏ bạc nhạc, rửa sạch, để ráo nước rồi mới thái miếng. Miếng thịt thái dọc thớ thành những miếng con chì, dài khoảng 20 cm, dày 5 cm.
- Tẩm ướp thịt trâu với các gia vị đã chuẩn bị (như muối, ớt, gừng, đặc biệt là quả mắc khén và nước lá rừng), tùy khẩu vị mà bạn có thể chế biến theo công thức của riêng mình. Lưu ý: Không nên cho quá nhiều muối, vì khi thịt khô sau một thời gian sẽ nhanh bị ướt
- Sau khi ướp, để thịt ngấm đều gia vị trong vòng 1-2h.
- Cho thịt gác bếp – Dùng que tre, xiên thịt lại rồi gác lên bếp hun khói. Khoảng cách giữa các miếng thịt không quá khít nhau để tránh thịt hun khói không chín đều. – Thịt treo cách bếp khoảng 1m để tránh bị khô nhanh và dính bụi bẩn.
- Hun liên tục 12 đến 15 giờ khi thịt có màu đỏ đẹp và dậy mùi đặc trưng của thịt gác bếp.
Cách ăn thịt trâu gác bếp
Sử dụng trâu gác bếp cần phải biết cách chế biến. Chế biến không đúng sẽ làm giảm hương vị của thịt trâu khô, hoặc có thể làm mất mùi vị của nó. Cơ bản là các cách ăn trâu gác bếp như sau:
- Hấp cách thủy: Cho vào trõ hấp cách thủy, khi thịt mềm ra là ăn được
- Nướng than hoa: Cho miếng trâu vào vỉ, nướng nóng đều nhu nướng mực.
- Vùi tro bếp củi: Ném miếng trâu vào tro nóng bếp, vùi kín cho nóng đều
- Quay lò vi sóng: Nhúng trâu khô qua nước, quay lò mặc định tối đa 2 phút
Hấp cách thủy là cách làm ngon nhất, miếng trâu khô sẽ mềm và tươi trở lại, vị dai nhè nhẹ và rất ngọt. Thời gian đun sôi cách thủy khoảng 8 phút với 500g (nửa cân), nhiều miếng trâu gác bếp hơn thì căn thêm thời gian. Hấp xong mang ra để nguội, rồi dùng vật nặng (như chày) đập bẹt, xé sợi và thưởng thức (như ăn mực khô).
Trước khi hấp miếng trâu khô, có thể nhúng toàn bộ qua nước đun sôi để nguội (nước lạnh) rồi cho vào hấp. Khi hấp nên trở miếng cho đều hai mặt. Để thịt nguội rồi mới đập bẹt nhé, đập khi đang nóng sẽ làm nát thớ thịt trâu.
Lưu ý: Nên dùng vật nặng (như chày, tay đòn) đập bẹt miếng thịt trâu khô mới ăn được, trâu xịn thì càng đập càng tơi chứ không bị nát. Động tác đập như đánh roi ấy, lực mạnh, nghe nó bèn bẹt mới ổn..
Cuối cùng thưởng thức món trâu gác bếp cùng gia vị Chẩm chéo (hay Chẳm chéo) là gia vị vùng Tây Bắc, gồm: Ớt tươi nướng, Muối hạt to rang cán nhỏ, Mắc khén, Tỏi, Hạt dổi, Gừng, Húng lủi, Rau thơm, Mùi tàu, Sả. Chẩm chéo khi dùng vắt thêm ít chanh hoặc quất làm ướt sẽ ngon hơn.
Kinh nghiệm mua thịt trâu gác bếp
Hiện có quá nhiều nơi bán loại đặc sản này, chọn mua thịt trâu gác bếp chuẩn cũng khó như lựa vàng đáy biển vậy! Với các bác chưa ăn bao giờ, em hướng dẫn chọn mua trâu khô online ngon nhất như thế này:
- Về giá: Đừng ham rẻ, tối thiểu trâu khô từ 350k/500g thì mua, rẻ dính hàng lởm.
- Quy cách đóng gói: Phải là hút chân không vì trâu khô vẫn có thể bị mốc nhanh
- Mẫu mã miếng trâu: to bản nhưng không quá dày mình (khó ăn), thớ dọc đều
- Mùi vị: phải dậy mùi mắc khén, ngửi qua túi chân không vẫn thấy nó sực vào mũi
- Thớ thịt trâu: Khi xé thử thì thớ thịt màu đỏ, xung quanh có tơ trắng đều các góc
- Có ghi thông tin chi tiết cơ sở sản xuất, giá bán và số điện thoại liên hệ rõ ràng
Mua thịt trâu gác bếp ở đâu?
Bạn có thể mua trực tiếp hoặc nhờ người mua thịt trâu gác bếp tại các chợ truyền thống ở vùng núi Tây Bắc. Bên cạnh đó, bạn còn có thể tìm mua trên các trang thương mại điện tử uy tín.
Giá bán thịt trâu gác bếp được dao động từ 250.000 – 280.000 đồng/250gr.
Trên đây là những thông tin về thịt trâu gác bếp, cùng với cách chế biến, kinh nghiệm thưởng thức và chọn mua thịt trâu gác bếp gửi đến bạn. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu thêm về món ăn đặc sản này nhé!